Hương nhang ấm áp, gắn kết yêu thương
Nén hương như một chiếc cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất. Có thể nói, hương nhang đã len lỏi vào tận cùng ngóc ngách của đời sống và có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của người Việt Nam nói riêng và của người châu Á nói chung.
Trong lòng những người con Việt, mùi nhang, mùi hương trầm quyện tỏa trong không khí vào dịp lễ Tết đã trở thành miền ký ức dịu êm mỗi khi nghĩ về, chẳng thế mà nhiều người vẫn hay gọi mùi trầm hương là mùi hương ký ức, mùi hoài niệm. Vào ngày giỗ chạp, các thế hệ gia đình ông bà con cháu quy tụ về nhà thờ họ hay nơi thờ tự, rưng rưng dâng nén nhang tưởng nhớ đến gia tiên tiền tổ rồi cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm. Mùi nhang thơm lan tỏa khiến ta thấy ấm cúng và gắn kết hơn. Vào dịp Thanh minh, con cháu dù làm ăn xa đều quay về quê hương, tảo mộ, thắp hương cho tổ tiên, ông bà cha mẹ; nén nhang giúp xua đi sự lạnh lẽo ở nghĩa trang, mộ phần người mất.
Hương nhang – cầu nối tâm linh
Trong tâm thức mỗi người Việt Nam đều tin rằng: Ở thế giới bên kia, trong một không gian vô định, có những con người vô hình đang hướng về chúng ta, đang ở bên chúng ta hàng ngày. Và khi thắp nén hương lên là ta có thể kết nối với họ, sưởi ấm cả thế giới này và cả thế giới vô hình kia nữa. Chẳng biết tục lệ thắp hương có từ bao giờ, xuất phát từ đâu nhưng trong sử sách có ghi lại, vua Trần Nhân Tông – vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam đã từ bỏ ngai vàng, xuất gia lên núi tu hành – cũng thường dùng hương rất nhiều trong mỗi lần đến chùa. Người Việt xưa có thói quen, khi ở xa về thường thắp hương trên bàn thờ trước tiên như lời thưa trình: “Con đã về”. Những người sắp đi xa cũng thắp hương để mong được sự gia hộ lên đường may mắn, thuận buồm xuôi gió.
Ngày Tết đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm, chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh quen thuộc: Những cụ ông, cụ bà, những nam thanh nữ tú tay cầm hương, miệng lâm râm khấn vái cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, phúc lộc thọ khang ninh… Đây hoàn toàn không phải là hành động mê tín dị đoan mà là một nét văn hóa đẹp được lưu truyền từ rất lâu. Việc đi chùa dâng hương lễ Phật đem lại cho mỗi người một sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn với một niềm tin rằng sẽ được Phật thánh chở che.
Hòa thượng Thích Nhật Quang – Trưởng ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm niêm hương lễ Phật
Bao giờ cũng vậy, người Việt Nam đã quen chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, …) cho số nén hương dâng lên, chẳng biết nguồn gốc từ đâu nhưng điều này đã trở thành một phong tục ngàn đời như thế. Theo quan điểm Phật giáo, những con số 1, 3, 5, 7 cũng mang một số ý nghĩa nhất định.
- 1 nén nhang được gọi là Tâm hương
- 3 nén nhang tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng
- 5 nén nhang tượng trưng cho Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương, Giải thoát tri kiến hương
Có rất nhiều ý kiến lý giải về những con số nén hương dùng khi thờ cúng nhưng dù là con số nào đi chăng nữa thì việc thắp hương cũng chính là dâng lên Chư Phật, những bậc tôn kính, hay hương linh người đã khuất tâm thanh tịnh, sự thành kính và tri ân. Nhang hương chính là sợi dây vô hình nối liền hai cõi thực hư.
Hương nhang – nét đẹp trong đời sống tâm linh người Việt
Trong đời sống hàng ngày và đặc biệt trong đời sống tâm linh của mỗi người dân Việt Nam, hương nhang được coi là một thứ vô cùng quan trọng. Dân gian vẫn quan niệm rằng dù mâm cao cỗ đầy mà thiếu nén nhang cũng chưa trọn vẹn. Ai trong chúng ta cũng đã ít nhiều quen với việc thắp hương, dâng hương, cho dù không tin vào thần thánh, không tin vào việc có một thế giới bên kia; nhưng chúng ta đều tin rằng nén nhang và hương thơm của nó giúp chúng ta ấm áp tâm hồn. Nén hương vòng (nhang vòng) cháy theo chiều kim đồng hồ như chính vòng xoáy nhân sinh của cuộc đời, đó là vòng đời của mỗi con người nơi trần thế. Và tất cả chúng ta, cuối cùng cũng đi đến một mục đích đó là vươn tới giá trị đích thực của cõi tâm linh, vươn tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ của cuộc đời
Hình ảnh nhang vòng trong một ngôi chùa nổi tiếng tại Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh
Nén hương đã không còn là một vật phẩm hữu hình mà đã trở thành một vật phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân Việt. Cùng với những phong tục truyền thống khác, nén hương đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.